Ngay sau khi hòa bình lập lại năm 1954, Bác Hồ và Chính phủ về lại Thủ đô, bộ máy của nhà nước được kiện toàn, Nha Thanh niên và Thể dục được thành lập. Từ đó, việc chỉ đạo và xây dựng phong trào TDTT bắt đầu bước sang trang mới. Môn BC nhận được sự ủng hộ của cả xã hội, sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN) anh em, nhất là Liên Xô và Trung Quốc. Sự nghiệp TDTT nói chung và môn bóng chuyền nói riêng phát triển một cách bài bản. Từ đó, môn BC có nhiều điều kiện phát triển, đặc biệt trong các lực lượng vũ trang và vì thế, đoàn Thể Công - đơn vị đặc biệt của Quân đội, gồm các huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) của nhiều môn, trong đó có BC được thành lập. Tuy còn non trẻ nhưng đội BC Thể Công đã thực sự trở thành một tập thể tiêu biểu cho nền thể thao mới và trở thành nòng cốt cho đội tuyển quốc gia trong giai đoạn đó và cả các thời kỳ sau.
Năm 1957, đội tuyển BC nam nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính thức ra đời, thành phần là những cầu thủ Thể Công và các gương mặt xuất sắc đến từ Hà Nội và vài tỉnh thành khác. Đội BC nam đã tham dự giải BC 4 nước: Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ và Việt Nam tại Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên; đây là bước đi ban đầu quan trọng và rất ý nghĩa có tác dụng khai thông mối quan hệ quốc tế của BCVN. Năm 1960, cả miền Bắc hân hoan chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III và hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, không khí thi đua sôi nổi và phong trào BC lúc này có điều kiện lan rộng tới các trường học, cơ quan và các vùng nông thôn, các công - nông - lâm trường. Điều đáng ghi nhận là sự vào cuộc của chị em phụ nữ, khi đồng loạt xuất hiện các đội BC nữ, như: Viện Quân Y 108; Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam do nữ Anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên làm đội trưởng; Học sinh trường cấp III Trưng Vương (Hà Nội); Cảng Hải Phòng, Bảo Thôn (Hà Nam); Nông trường Rạng Đông (Nam Định).
Từ phong trào ngày càng phát triển ấy, miền Bắc XHCN đã tổ chức các giải thi đấu có nhiều ý nghĩa, như: Giải Hòa Bình - Thống Nhất, Giải Mùa Xuân vào những năm 1956 - 1957. Cũng ở thời kỳ đó, Ủy ban TDTT đã mời một số chuyên gia Trung Quốc sang huấn luyện, đào tạo cán bộ VĐV. Từ đây BCVN đã tiếp thu được một số kỹ thuật, phương pháp huấn luyện mới, những kinh nghiệm trong xây dựng lực lượng và phong trào. Giai đoạn này, hai đội tuyển nam - nữ BC nước ta luôn được đi tập huấn và thi đấu tại giải truyền thống 4 nước: Việt -Trung - Triều - Mông, lại được cọ xát cùng các đội BC quốc tế đến thi đấu hữu nghị tại Việt Nam, như: Bulgari (1959), Campuchia (1960) và Liên Xô (1961).
Cũng từ đây, chúng ta bắt đầu hình thành hệ thống thi đấu hàng năm, ban đầu là giải BC truyền thống hạng A toàn miền Bắc, gồm: 8 đội nam, 8 đội nữ. Ngoài ra còn có các giải truyền thống dành cho các vùng nông thôn, miền núi, kể cả phong trào Xây dựng “Quê hương BC 3 nhất” nhằm gắn TDTT với sản xuất.
Nhu cầu đào tạo lực lượng cán bộ, HLV, VĐV đỉnh cao môn BC và sự hình thành những mối quan hệ quốc tế dẫn đến việc ngành TDTT có những quyết định kịp thời, như thành lập trường Huấn luyện kỹ thuật TDTT Trung ương (1961), trong đó có 2 đội BC nam - nữ. Trường đã xứng đáng là nơi tập hợp các tài năng của các địa phương và các ngành, được tập trung huấn luyện nâng cao thành tích làm nòng cốt cho đội tuyển quốc gia thi đấu quốc tế và là nòng cốt cho phong trào cả nước. Và không lâu sau, tháng 6/1961 tổ chức quần chúng có tư cách đại biểu cho môn thể thao chuyên ngành như các nước trên thế giới - Hội BCVN ra đời và là hội viên thứ 156 của Liên đoàn Bóng chuyền thế giới (FIVB). Từ đó, môn BC được phát triển ngày càng vững chắc, gặt hái nhiều thành công, hệ thống thi đấu bắt đầu đi vào nền nếp và ổn định. Bên cạnh hệ thống giải hạng A, B toàn quốc, các ngành còn có các giải truyền thống riêng được duy trì nhiều năm, như: Đường Sắt, Công an, Bộ Đại học, Quân đội. Một số địa phương bắt đầu đào tạo năng khiếu gồm Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Nam Hà, Hải Dương, Quảng Ninh. Những giải bóng chuyền thiếu niên, học sinh, sinh viên cũng được tổ chức hàng năm. Trong vai trò tư vấn, tổ chức xã hội của BCVN đã kết hợp, triển khai các hội nghị chuyên đề như: Hội nghị về phương hướng phát triển BC được tổ chức tại Thái Bình tháng 7/1963, trong đó đã xác định phương châm phát triển BC là: “Nhanh chuẩn, biến hóa trên cơ sở không ngừng nâng cao sức mạnh”. Giới BC miền Bắc cũng hưởng ứng phong trào thi đua với đội BC Nông trường Rạng Đông (Nam Định). Cùng lúc, Hội BCVN đã phát động phong trào thi đua “bật cao phát bóng giỏi” trong các đội tham gia các giải hạng A toàn quốc. Năm 1964, lần đầu tiên Ủy ban TDTT đã ban hành quy định về chế độ phong cấp kiện tướng và cấp I cho các VĐV môn BC.
Trong giai đoạn này, tại miền Nam Việt Nam cũng xuất hiện một tổ chức xã hội là Hội BC. Liên đoàn bóng chuyền thế giới (FIVB) cũng thừa nhận tổ chức này gọi là “Accosiatim Amater de Volleyball South Vietnam”. Điều đáng nói là Hội BC này chỉ dành sự quan tâm phát triển môn BC ở một vài thành phố lớn và chú trọng đào tạo VĐV đỉnh cao để làm nhiệm vụ đối ngoại, tập trung chủ yếu trong Quân đội, Cảnh sát và thanh niên Sài Gòn. Đội tuyển nam phía Nam cũng đạt được một số thành tích nhất định như:
- Xếp hạng 3/4 tại SEA Games 1 (1959)
- Xếp hạng 2/7 tại SEA Games 2 (1965)
- Xếp hạng 1/5 tại SEA Games 4 (1967)
- Xếp hạng 2/5 tại SEA Games 5 (1969)
- Xếp hạng 4/6 tại SEA Games 6 (1971)
- Xếp hạng 2/4 tại SEA Games 7 (1973)